Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn

 


Chầu bà là Công Chúa Thiên Thai, được Quốc Mẫu cho cai quản núi rừng sơn lâm thượng ngàn. Chầu còn được gọi là Chầu Đông Cuông, Lê Mại Đại Vương hay Bà Chúa Sơn Trang.

Chầu bà là người vâng hành thừa lệnh của Nhạc Tiên Thánh Mẫu Quế Hoa Mị Nương.

 

Chầu vốn là con gái của gia đình Người Mán ở Đông Cuông, húy của Chầu là Lê Thị Kiệm, là vợ của ông Hà Văn Thiên người Tày được triều đình cho cai quản vùng Đông Cuông. Bà giúp dân lập ấp, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói cho chúng dân. Khi về trời Chầu thường hiển linh cứu dân độ thế, cứu người đi rừng đi sông thoát hoạn nạn. Dân chúng ghi ơn lập đền thờ phụng.

 

Một thời Chầu lại hiển linh vào đầu thời kì khởi nghĩa Lam Sơn, lúc bấy giờ nghĩa quân của Lê Lợi còn non yếu, đang trú ở Phản Ấm thì quân Minh bao vây. Nghĩa quân cầm cự không nổi phải chịu cảnh tan tác các nơi. Trong đêm tối, Chầu đã hóa hiển hào quang để dẫn đường cho quân sĩ tập hợp dẫn dắt họ vào đất Mường Yên về núi Chí Linh. Gian nan nhiều nỗi, nhưng nhờ sự gia hộ của Chầu, nghĩa quân Lê Lợi ngày càng lớn mạnh, và liên tiếp chiến thắng. Giặc Minh tan rã, đất nước thái bình, nhớ ơn đức của Chầu nên vua phong Chầu là “Lê Mại Đại vương”, nhân dân tôn xưng bà Chúa Thượng Ngàn.

 

Chầu về đồng ngự áo màu xanh, đầu chít khăn buồm, đeo kiềng bạc, múa mồi, xông đăng, trong giá Chầu có nghi thức trình trầu.

 

Chầu bà hạ sinh vào giờ Dần ngày Mão tháng giêng năm Thân. Thánh lễ của chầu là ngày Mão đầu tiên của năm. Đền thờ Chầu là Đền Đông Cuông ở Văn Chấn Yên Bái.

Add a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *